KIỂM TOÁN NỘI BỘ – “Để mai tính”

Kiểm Toán Nội Bộ Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Để mai tính là tên một bộ phim hài của đạo diễn Charlie Nguyễn. Bộ phim này đã đưa Thái Hòa lên hàng sao với vai diễn chị Hội (tức hội đủ cả chị và anh trong cùng một người).

“Đừng nói Kiểm toán nội bộ có bà con với Hội nha!” là ý tưởng mà một số bạn đọc có thể nghĩ tới. Nhưng bạn yên tâm, KTNB không phải để Hội tính đâu.

Mối liên hệ giữa KTNB với bộ phim trên là ở cái tiêu đề (chứ không phải nhân vật).

Tâm lý chung của các chủ doanh nghiệp khi đề cập đến chuyện KTNB là: để mai tính! Sự lưỡng lự của họ là có thể hiểu được. Người chủ doanh nghiệp nghĩ rằng công ty này do mình gầy dựng nên từ đầu, bản thân cũng từng “ăn tại công ty, ngủ ở công ty” vậy thì có cái gì trong công ty mà mình không biết?. Thỉnh thoảng còn thuê công ty kiểm toán độc lập về kiểm toán báo cáo tài chính để nộp cho ngân hàng và các đối tác nữa. Mọi việc vẫn chạy tốt, cần gì phải kiểm toán nội bộ nữa. Tâm lý ấy cũng giống như bản thân thấy ổn, nên không cần đi khám sức khỏe định kỳ vậy.

Mọi sự trên đời đều biến chuyển theo thời gian. Bạn có biết, mỗi giây trong não người diễn ra 100.000 phản ứng hóa học và tâm trạng của bạn thay đổi theo nồng độ hooc môn trong máu. Vậy thì lý do gì mà công ty bạn gây dựng hàng chục năm qua nó lại vẫn diễn ra đúng như hiểu biết của bạn?

Hàng năm có từ 10% cho tới hơn 50% số lượng nhân sự của công ty được/bị thay đổi. 1/3 số công thần từ ngày khai thiên lập địa đã rời bỏ công ty và thay bằng những nhân vật mới. Văn hóa doanh nghiệp sau ngần ấy thời gian đã khác đi rồi, không còn giống như cái bạn nghĩ nữa. Những xung đột trong công việc sẽ tích tụ theo thời gian, đòn trả đũa của cá nhân hay bộ phận này với cá nhân hay bộ phận khác xét cho cùng thì công ty là người gánh chịu tổn thất.

=> Bạn có chắc là bạn biết hết những vấn đề này và đã có giải pháp hữu hiệu?

Phòng kinh doanh than phiền rằng phòng phát triển sản phẩm đưa ra quy định quá chặt khiến họ khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Phòng phát triển sản phẩm thì không đồng ý điều chỉnh vì họ phải thủ cho chắc để bảo vệ mình trước chứ. Hai phòng nói nhau thì không ai chịu nghe ai cả. Đưa lên cấp quản lý cao hơn thì cấp này không có thời gian phân tích những ưu/nhược, được/mất của các chính sách hiện tại nên hoặc là “để nguyên như cũ” hoặc là “sửa quá tay” khiến một trong hai bên không tâm phục khẩu phục và dễ làm nảy sinh tâm lý trả đũa phòng kia. Trong trường hợp này nếu có một bên thứ ba, khách quan và tỉnh táo để thấu hiểu, cân nhắc và đề xuất hướng giải quyết thì tình hình sẽ tốt đẹp hơn.

=> KTNB hoàn toàn phù hợp cho vai trò này.

Các phòng chức năng như kinh doanh, kế toán, sản xuất, tài chính, nhân sự vẫn báo cáo tốt lên cho cấp lãnh đạo công ty. Ai có thể kiểm tra tính trung thực của các thông tin trong những báo cáo này? Các vấn đề nội bộ của từng phòng hiếm khi truyền đạt được lên cấp cao hơn. Mọi người trong phòng có thể rất mâu thuẫn với nhau nhưng khi có lãnh đạo công ty xuống phòng làm việc thì sự đoàn kết nhất trí nó mới dâng trào làm sao! Sự thật vẫn nằm sau bức màn ngỡ mỏng mà khó thấy ấy. Phải có một cách tiếp cận khác, khiến người ta đủ tin cậy để chia sẻ thì vấn đề mới giải quyết rốt ráo được.

=> Không phải KTNB thì là ai? Đừng nói công đoàn công ty nha!

Trong các công ty gia đình, khi đến giai đoạn chuyển giao thế hệ giữa cha/mẹ sang con cái thì vấn đề sẽ lớn hơn. Quan điểm kinh doanh, phong cách điều hành khác nhau sẽ tạo nên xung đột trong công ty. Những công thần còn lại từ thời cha mẹ giờ không thích ứng được với văn hóa mới trở thành những lô cốt án ngữ con đường phát triển. Lập lại trật tự như thế nào để vừa có tình vừa có lý?. Câu trả lời là không có cách gì khách quan và dễ được các bên chấp nhận hơn là từ các khuyến nghị của kiểm toán nội bộ. Kiểm toán để tái cấu trúc là một lợi thế lớn mà KTNB đóng góp cho công ty trong hành trình phát triển.

Xem thêm: Sự Khác Nhau Giữa Kiểm Toán Nội Bộ Và Kiểm Toán Độc Lập

Những vấn đề trên các doanh nghiệp ít nhiều sẽ gặp phải, nhất là những doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, không dễ gì thuyết phục ông chủ đồng ý để cho KTNB làm các xét nghiệm, X-quang, siêu âm… đứa con tinh thần của họ (tức doanh nghiệp). Họ vẫn nghĩ rằng con mình vẫn ổn, hoặc giả sử có bệnh thì tự mình sẽ giải quyết được.

Trong bài viết trước tôi đã nói về sự kết hợp giữa phòng quản lý chất lượng (ISO) và phòng KTNB. Với tiêu chuẩn quốc tế như ISO mà phòng ISO nhiều khi còn vất vả trong việc thuyết phục ông chủ tuân theo các điều khoản về quản lý chất lượng thì KTNB tuổi gì trong mắt ông chủ? Vì vậy tâm lý để mai tính đối với KTNB là quan điểm phổ biến cũng là điều dễ hiểu.

Tôi không mượn rượu tỏ tình mà chỉ nói lên đôi điều cảm nhận về hoạt động KTNB hiện nay tại Việt Nam. Nhưng tôi tin mọi con sông đều chảy ra biển dù quãng đường đi có ngoằn ngoèo. Nếu doanh nghiệp Việt không sử dụng KTNB thì khi nhà đầu tư nước ngoài vào và trở thành cổ đông lớn thì họ sẽ đem đoàn KTNB ngoại sang đây thi hành phận sự. Mà người nước ngoài thì không quen với các cụm từ: “thông cảm”, “rút kinh nghiệm” như người Việt với nhau.

Trên thị trường vẫn có một số ít những chủ doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích của KTNB và chủ động thuê dịch vụ này về rà soát cho doanh nghiệp. Khi chủ doanh nghiệp đọc báo cáo KTNB thấy có ít vấn đề rủi ro thì họ cũng an tâm như khi cầm tờ kết quả xét nghiệm mà bác sĩ kết luận là bình thường. Còn giả sử có bệnh thì chữa, mọi sự sẽ rõ ràng và dễ khắc phục hơn. Nếu không khám thì làm sao biết mình có bệnh hay không mà tính? Trong chuyện này Hội không tính giùm được đâu!

Ngạn ngữ phương Tây có câu: tomorrow never comes (ngày mai không bao giờ đến) để chỉ thói quen trì hoãn của con người. Tôi không chắc câu nói đó có áp dụng được ở Việt Nam hay không nhưng tôi nghĩ rằng: để mai tính là tên của một bộ phim thì thích hợp hơn là coi nó như một phương châm hành động. Bởi xét cho cùng, KTNB là nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp chứ không phải cho phòng KTNB với những con người vốn bị auto ghét. Và ông chủ là người được hưởng phần lớn nhất trong chiếc bánh lợi ích ấy của doanh nghiệp.

Sưu tầm từ nhóm FB: Kiểm toán nội bộ (Mr. Mai Duc Nghia)

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.