Trên thị trường hiện có khoảng 100 công ty kiểm toán, tuy nhiên thị phần lớn nhất chủ yếu nằm trong tay bốn công ty kiểm toán nước ngoài. Trong hai phần còn lại, phần lớn thuộc về hai doanh nghiệp có nguồn gốc từ nhà nước nắm giữ, hơn 90 doanh nghiệp kiểm toán nhỏ giành giật với nhau phần rất bé.
Thực tế, có rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình kiểm toán tại doanh nghiệp. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ sinh động về vấn đề này.
Câu chuyện kiểm toán 1: Báo cáo tài chính
Một nhà quản lý của thị trường chứng khoán cho rằng báo cáo tài chính làm cơ sở cho nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư. Việc kiểm toán cho ý kiến là để tăng độ tin cậy của báo cáo tài chính. Về nguyên tắc, báo cáo kiểm toán cũng là do công ty lập, có bên thứ ba chuyên nghiệp (là kiểm toán) vào kiểm tra lại và đưa ra ý kiến độc lập về báo cáo đó. Có nghĩa là, về bản chất, báo cáo này cũng là do công ty lập, chứ không phải kiểm toán lập.
Bên cạnh đó, việc kiểm toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kiểm toán toàn bộ hay kiểm toán chuyên đề, tức phụ thuộc vào phạm vi kiểm toán, từ đấy mới có thể cho thấy được bức tranh tổng thể hoạt động của doanh nghiệp. Như đã nói ở trên, báo cáo kiểm toán chỉ là kiểm tra lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính là do doanh nghiệp lập, chứ không phải do công ty kiểm toán lập, nên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về báo cáo này. Kiểm toán chỉ đi kiểm tra lại các mặt trọng yếu, không phải kiểm tra toàn bộ giao dịch của công ty mà chỉ chọn mẫu mang tính cách đại diện để xem có những sai sót xảy ra, hay có tình trạng doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của kế toán kiểm toán.
Ngoài ra, trên thực tế cũng không thể khẳng định là không có việc kiểm toán viên bắt tay với doanh nghiệp trong việc đưa ra ý kiến trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, kiểm toán viên có Bộ quy tắc đạo đức chuẩn mực của kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề có hội nghề nghiệp. Nên tất cả những vấn đề này thuộc về một nghề mà ở đó người ta tồn tại chủ yếu dựa vào lòng tin, nếu không tạo được sự tin tưởng thì mất nghề.
Để đảm bảo chất lượng của kiểm toán đối với các công ty niêm yết, chỉ có những công ty kiểm toán nằm trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận mới được kiểm toán cho công ty niêm yết, tức là họ đã qua vòng sàng lọc về mặt chất lượng. Ngoài ra, trong công ty kiểm toán có rất nhiều kiểm toán viên, nhưng chỉ có một số kiểm toán viên được UBCKNN chấp thuận mới được kiểm toán các công ty niêm yết. Hàng năm, UBCKNN cũng tổ chức các đoàn đến kiểm tra công ty kiểm toán xem họ có tuân thủ các quy định hay không.
Đối với gian lận trong báo cáo tài chính, có trường hợp những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không thể phát hiện ra các vấn đề trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như với trường hợp của Công ty cổ phần tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, việc xác định thất thoát hàng tồn kho liên quan đến kiểm kê, mà việc kiểm kê lại đòi hỏi phải đi kiểm tra thực tế mới phát hiện ra được.
Việc quy kết công ty kiểm toán có thiếu trách nhiệm hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, vì hai thời điểm kiểm toán khác nhau. Liên quan đến hàng tồn kho, công ty kiểm toán trước đó kiểm tra thời điểm ngày 31/12/2015, trong khi công ty kiểm toán mới lại kiểm toán thời điểm tháng 6/2016 (tức vẫn có thể có thay đổi về tồn kho giữa hai thời điểm – PV) nên chưa thể vội kết luận về việc này.
Câu chuyện 2: Kiểm toán hay mua dấu xác nhận?
Một kế toán trưởng một doanh nghiệp tại Hà Nội, có gần sáu năm làm kiểm toán kể rằng đã từng chứng kiến việc kiểm kê hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp và biết nhiều câu chuyện hay. Cách đây vài năm, người kế toán trưởng này thực hiện kiểm toán cho một doanh nghiệp sản xuất gạch đỏ ở Quảng Ninh. Sổ sách tài chính phản ánh giá trị tồn kho đất sét đủ dùng cho năm năm sản xuất bình quân. Nhưng khi kiểm kê và phỏng vấn bộ phận kho thì con số thực tế chỉ là một tháng. Để ra được kết quả này, người kế toán trưởng và đồng nghiệp đã phải kiểm kê cả tuần, phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, từ phỏng vấn bộ phận kho đến thuê một bên thứ ba độc lập thực hiện đo đạc khối lượng đất. Mà đó là doanh nghiệp này chỉ có một kho.
Trường hợp này, những người trong nghề gọi là công ty kiểm toán suýt bị doanh nghiệp qua mặt. Nguyên nhân chính là do các công ty kiểm toán nhỏ cạnh tranh gay gắt với nhau bằng giá phí và “tiền lại quả” (tiền phần trăm hoa hồng chi lại cho doanh nghiệp thuê kiểm toán, có thể lên đến 30% giá trị hợp đồng). Khi đã chấp nhận hạ giá và “lại quả” nhiều, mà vẫn muốn đảm bảo lợi nhuận thì các công ty này sẽ tuyển dụng những lao động trình độ không cao (đồng nghĩa với việc không đòi hỏi về lương cao), có công ty dùng cả sinh viên thực tập để thực hiện công việc kiểm toán.
Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí đến mức tối đa, một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua các bước công việc trong thực tế vô cùng quan trọng để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, chẳng hạn như công tác kiểm kê hàng tồn như đã nói ở trên. Nói tóm lại là công ty kiểm toán đã để lợi nhuận che mắt và đánh giá rủi ro không chính xác.
Dạng thứ hai là bán dấu xác nhận – lấy tiền. Về bản chất, kiểm toán là một loại hàng hóa, dịch vụ. Vì đã liên quan đến quan hệ cung – cầu thì hai bên cần phải có lợi ích. Trong rất nhiều trường hợp, công ty kiểm toán chấp nhận số liệu như nhà quản trị thông qua (dù không trùng khớp với kết quả kiểm toán của mình) để giữ hợp đồng kiểm toán. Chuyện này thường diễn ra nhiều nhất với các báo cáo kiểm toán dùng để đấu thầu hay gửi ngân hàng. Thậm chí, có những “hợp đồng” mà công ty kiểm toán còn không thực hiện các kỹ năng của mình để xác minh số liệu. Giá của các con dấu công ty kiểm toán được định trên mức độ rủi ro, tác động của những thông tin công bố.
Tuy nhiên, đáng sợ và phổ biến nhất là dạng thứ ba, dạng thức lai giữa hai dạng trên. Đó là doanh nghiệp nghĩ rằng mình đang bỏ tiền mua dấu, công ty kiểm toán không đủ trình độ nên hoàn toàn bị qua mặt. Ngành Kiểm toán ở VN mới chỉ có hơn 20 năm phát triển nên hành lang, nền tảng pháp lý chưa hoàn thiện, kinh nghiệm quản lý cũng chưa nhiều. Hệ quả là số liệu trong báo cáo tài chính công bố ra không đảm bảo tính chính xác, gây hậu quả cho nhà đầu tư, ngân hàng cho vay…
Người kế toán trưởng này cho rằng việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính sai không phải do lỗi của người kế toán mà do ý muốn chủ quan của những nhà quản trị doanh nghiệp. Thông tin trên báo cáo tài chính không phản ánh tình hình tài chính mà được định hướng theo mục tiêu của người quản lý.
Trách nhiệm của kiểm toán là “xác minh thông tin trên báo cáo tài chính phản ánh trung thực hợp lý trên khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Cũng đã có những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy có rất nhiều yếu tố tác động đến kiểm toán và cuối cùng là mức độ xác thực trong báo cáo tài chính.
Theo kdgvietnam.vn
Chắc bạn sẽ cần: