Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.3)

Kiểm Toán Nội Bộ Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong việc xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Thứ nhất, dù áp dụng phương pháp tiếp cận nào để xây dựng kiểm toán nội bộ (mô hình tập trung hay phi tập trung) thì cũng cần cân nhắc một số nguyên tắc sau: (1) kiểm toán nội bộ phải được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng trong các thủ tục kiểm soát tài chính nội bộ nhằm bảo đảm lợi ích tài chính của các cơ quan, tổ chức nhà nước; (2) mặc dù tập trung chủ yếu vào kiểm toán tính tuân thủ nhưng chức năng KTNB cần được mở rộng ra với các thủ tục kiểm toán chi tiết, kiểm tra hệ thống, hoạt động và kiểm toán công nghệ thông tin; (3) để thực hiện một các hiệu quả, chức năng kiểm toán nội bộ phải độc lập với hoạt động quản lý thường nhật của cơ quan, tổ chức, nhưng đồng thời phải có sự liên hệ trực tiếp với ban quản lý cấp cao nhất để đảm bảo rằng các phát hiện và kiến nghị của kiểm toán nội bộ sẽ được thực hiên hợp lý; (4) hoạt động kiểm toán nội bộ phải được thực hiện trên cơ sở áp dụng và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, chiến lược phát triển chức năng KTNB được xây dựng trên cơ sở kết hợp nhiều nhân tố như: định hướng kiểm soát và quản lý (mục tiêu của kiểm toán nội bộ); mức độ tập trung của kiểm toán nội bộ trong tổ chức (cách thức tổ chức KTNB); mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài (trách nhiệm và sự phối hợp); và hệ thống hóa các kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán nội bộ (cải tiến chức năng kiểm toán nội bộ).

Thứ ba, mục tiêu kiểm toán nội bộ cũng là một cơ sở để xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Thực tế nghiên cứu kinh nghiệm kiểm toán nội bộ của các quốc gia cho thấy có rất nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò của kiểm toán nội bộ. Theo mô hình kiểm toán nội bộ tập trung, kiểm toán nội bộ được coi là một chức năng của Bộ Tài chính, hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc kiểm soát sự tuân thủ của các Bộ, ngành đối với các quy định, hướng dẫn và chế độ kế toán của Bộ Tài chính. Mục tiêu kiểm toán nội bộ trong mô hình này nhấn mạnh sự tuân thủ và hoạt động kiểm soát. Trong khi đó, với mô hình phi tập trung, thông qua việc đảm bảo các nguồn lực công được sử dụng một cách hiệu quả, kiểm toán nội bộ đã giúp các nhà quản lý ngân sách đưa ra được các biện pháp điều chỉnh hợp lý. đồng thời đưa ra các kiến nghị thích hợp để nâng cao hiệu lực quản lý lại có vai trò hỗ trợ các nhà quản lý ngân sách. Do đó, mục tiêu của kiểm toán nội bộ trong mô hình phi tập trung là nhằm nhấn mạnh tính hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực và thực hiện các dịch vụ. Như vậy, việc xây dựng chức năng kiểm toán nội bộ cần phải dựa trên cơ sở các ưu tiên của mỗi quốc gia. Đối với các quốc gia đang gặp các vấn đề về quản trị, thì mục tiêu tiên quyết là cần đảm bảo tính tuân thủ luật và quy định về tài chính. Còn đối với các quốc gia đang phải đối mặt với các áp lực tài chính thì cần phải đảm bảo các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, lựa chọn mức độ tập trung của chức năng kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Theo kinh nghiệm của các nước OEDC, mô hình kiểm toán nội bộ tập trung giúp duy trì và phát triển sự chuyên nghiệp của các kiểm toán viên nội bộ; đổng thời nâng cao tính độc lập của bộ phận kiểm toán nội bộ. Vì kiểm toán nội bộ do Bộ Tài chính quản lý, không thuộc sự kiểm soát trực tiếp của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số nhược điểm như: làm giảm trách nhiệm giải trình của Ban quản lý Bộ, ngành; hạn chế hiệu lực vì thiếu tính minh bạch; và thiếu sự phối hợp với các ban, ngành khác. Do vậy, khi lựa chọn áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ tập trung hay phi tập trung thì cần cân nhắc điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Khi áp dụng mô hình tập trung hoàn toàn, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của hoạt động quản lý tài chính trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, thực hiện trách nhiệm giải trình của các nhà quản lý tài chính. Nếu rủi ro từ những can thiệp mang tính chính trị đối với hoạt động quản lý ngân sách là cao thì việc xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ tập trung này cần phải cân nhắc hơn. Tại một số quốc gia, các cơ quan ngoại kiểm yếu kém cũng hàm ý rằng nguy cơ can thiệp mang tính chính trị là khá cao. Ngoài ra, ở đâu năng lực thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ là yếu kém liên quan đến năng lực của đội ngũ kiểm toán viên nội bộ thì cần phải xem xét lại hệ thống kiểm soát tập trung của Bộ Tài chính.

Xem thêm: Quy Định Mới Về Kiểm Toán Nội Bộ Tại Các Doanh Nghiệp Hiện Nay

Thứ năm, đảm bảo tính độc lập của KTNB là nền tảng quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Mục tiêu chính của việc thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ là phải đảm bảo được tính độc lập của chức năng này với các hoạt động quản lý thường nhật của các đơn vị, tổ chức. Thực tế cho thấy, mức độ độc lập của kiểm toán nội bộ không giống với hoạt động ngoại kiểm – báo cáo được trình lên Quốc hội. Theo IIA, tính độc lập của kiểm toán nội bộ được quy định như sau: “Các kiểm toán viên nội bộ là độc lập khi thực hiện công việc của mình một cách khách quan. Tính độc lập cho phép các kiểm toán viên độc lập có thể đưa ra các phán đoán công bằng và vô tư khi tiến hành các cuộc kiểm toán…”. Trong trường hợp lý tưởng, các kiểm toán viên nội bộ cần phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng hoặc giám đốc điều hành của các Bộ, ngành. Trong mô hình phi tập trung, kiểm toán viên nội bộ sẽ báo cáo trực tiếp kết quả hoạt động của mình lên cán bộ cao nhất này. Còn trong mô hình tập trung, kiểm toán viên nội bộ phải báo cáo trực tiếp lên Bộ trưởng Bộ Tài chính để đảm bảo tính độc lập của mình. Kiểm toán viên nội bộ là nhân viên của Bộ, ngành và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu của Bộ, ngành thì đã vi phạm nguyên tắc cốt yếu của kiểm toán đó là: một kiểm toán viên không được kiểm toán bản thân mình. Chính vì vậy, việc xác định rõ nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ là một trong những công việc tiên quyết khi thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ tại các cơ quan, tổ chức nhà nước, đồng thời tránh được những mâu thuẫn phát sinh khi kiểm toán viên nội bộ thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, việc thiết lập Ủy ban kiểm toán tại các Bộ, ngành cũng là một giải pháp của một số quốc gia. Thành viên của Ủy ban này thuộc ban quản lý cấp cao của các cơ quan, tổ chức và là các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Mục tiêu của Ủy ban này là nhằm điều hành hoạt động KTNB, phát hiện các vấn đề vướng mắc và kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh hoặc ngăn ngừa. Điều này không chỉ tăng cường vai trò của kiểm toán nội bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn tạo sự tách biệt giữa hoạt động của đơn vị với hoạt động đánh giá của KTNB. Nhiều quốc gia khác lại nhờ các cơ quan ngoại kiểm độc lập thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ theo định kỳ 2 – 3 năm một lần. Tính độc lập của KTNB cũng liên quan đến việc phân định ranh giới rõ ràng về trách nhiệm của kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài. Điều này có thể được giải quyết khi xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán viên nội bộ. Bên cạnh đó, cũng cần xem mối quan hệ giữa chức năng nội kiểm và ngoại kiểm như một sự “cộng sinh” – có tác dụng hỗ trợ cả hai chức năng phát triển. Nhưng trong trường hợp này, cả hai chức năng này đều phải mạnh & hiệu quả, để hoạt động kiểm toán bên ngoài có thể sử dụng kết quả của kiểm toán nội bộ và kiểm toán nội bộ cũng có thể tham khảo kết quả phát hiện của hoạt động ngoại kiểm.

Ths. Đặng Thị Hoàng Liên

Nguồn:khoahockiemtoan

Xem các phần trước:
Phần 1: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.1)
Phần 2: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.2)

 

 

 

 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.