Khát Kiểm Toán Nội Bộ Chuyên Nghiệp

Kiểm Toán Nội Bộ Tin Kế Toán - Tài Chính
Facebook0
LinkedIn

Khát kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp Trước những làn sóng đầu tư ngày càng mạnh mẽ, sự tăng trưởng không ngừng của các doanh nghiệp thì nhu cầu kiểm soát nhằm bảo vệ và làm gia tăng giá trị, duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp càng cao. Vai trò này thuộc về những những kiểm toán viên nội bộ.

Hiếm và quý

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hai năm qua, gian lận đã xuất hiện ở 45% công ty được khảo sát (tăng 8% so với 2 năm trước). Bên cạnh số vụ tham nhũng và hối lộ tăng 71%, số vụ rửa tiền tăng 133% thì gian lận về báo cáo tài chính được phát hiện tăng nhiều nhất với 140%. Bình quân về thiệt hại tài chính cho một vụ gian lận là 1,7 triệu USD. Đóng vai trò lớn nhất trong việc phát hiện gian lận này là bộ phận kiểm toán nội bộ, chiếm 26% (theo Global Economic Crime Survey 2005-PWC).

Sự tăng trưởng buộc các doanh nghiệp cần có những kiểm toán viên nội bộ để giảm thiểu các rủi ro. Kiểm toán viên nội bộ có khả năng ngăn chặn, phát hiện và chỉnh sửa các vấn đề tiêu cực phát sinh cao nhất trong nội bộ doanh nghiệp, đóng vai trò như một người bảo vệ giá trị của doanh nghiệp. Song hiện tại cung vẫn còn quá mỏng so với cầu.

Hiện nay, chương trình đào tạo kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp chưa nhiều, chỉ do Viện Tin học doanh nghiệp (thuộc VCCI) với sự trợ giúp kỹ thuật của ACCA (Hiệp hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh) đảm nhận. Đối tượng tham gia học chủ yếu là những người đã và đang hoặc sẽ đảm đương trọng trách tại phòng kiểm toán nội bộ.

Trong bối cảnh đó, kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp trở thành “con cưng” vừa quý vừa hiếm. Chị N.T.M.T – kiểm toán viên nội bộ của một công ty hoá chất nước ngoài – cho biết, mức lương hiện tại của chị là 2.000 USD/tháng.

Nhận diện kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp

Có sự khác nhau giữa nhân viên kiểm toán nội bộ và kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp. kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể công tác tại bộ phận kiểm toán nội bộ còn nhân viên kiểm toán nội bộ thì phải được đào tạo bài bản mới có thể thành kiểm toán viên chuyên nghiệp. Thế nên, “họ là những người ở chiếu trên, có đẳng cấp và không dễ gần”- nhận xét của các phòng ban khác nói về bộ phận kiểm toán nội bộ. Còn một kiểm toán viên nội bộ tự nói về mình thì “hơi khác người, luôn khô như ngói và làm việc theo luật”.

Trước hết họ là những người tư vấn kiểm soát cho giám đốc điều hành và các giám đốc chức năng trong công ty, đánh giá nguồn lực công ty để sử dụng phù hợp tránh lãng phí, thất thoát hay bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ pháp luật… Không những thế, những kiểm toán viên nội bộ còn chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng thông tin tài chính, báo cáo kế toán, soát xét tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính theo yêu cầu của tổng giám đốc.

Để đáp ứng được yêu cầu, mỗi kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp phải như một từ điển sống với vốn kiến thức chuyên sâu về tài chính kế toán, kiến thức pháp luật và kiến thức quản trị. Ngoài ra, kiểm toán viên nội bộ còn phải tuân thủ những nguyên tắc mà không phải ai cũng có thể thực hiện được như: Không quá thân thiện với nhân viên các bộ phận khác trong công ty, không bàn về vụ việc của đối tượng kiểm toán ở bất kì đâu, kể cả với những kiểm toán viên cùng phòng nhưng không trực tiếp tham gia… Bảo mật là nguyên tắc mà kiểm toán viên nội bộ nhất nhất tuân theo, kể cả với người thân trong gia đình.

Hội tụ đầy đủ những tố chất để trở thành kiểm toán viên nội bộ đã khó và để được công nhận là chuyên nghiệp càng khó hơn. Vì vậy mà những kiểm toán viên luôn được ngưỡng mộ khi công việc và cuộc sống của họ là một chuỗi áp lực. Và phần thưởng xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra là mức lương hàng ngàn USD, tiếng nói có trọng lượng trong công ty cũng như cơ hội thăng tiến trở thành một giám đốc trong tương lai.

Nguyên tắc và tác phong đối với một kiểm toán viên nội bộ

– Quan hệ với đối tượng kiểm toán: Lưu ý tới chất lượng chuyên môn, bảo mật trong mối quan hệ với đối tượng kiểm toán, duy trì tính độc lập của phòng kiểm toán nội bộ; thận trọng, khôn khéo khi quan hệ với mọi cấp nhân viên của toàn công ty.

– Tác phong nghề nghiệp: Luôn tỏ ra là người đĩnh đạc, thận trọng và kín đáo.

– Tính độc lập: Thể hiện được các chuẩn mực, nguyên tắc nghề nghiệp trên sơ sở đặc thù của phòng kiểm toán nội bộ trước đối tượng kiểm toán.

– Tuyệt đối bảo mật những thông tin mà kiểm toán viên thu thập được. Nắm vững và cam kết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nội bộ (theo điều lệ đạo đức nghề nghiệp do llA ban hành).

Theo lao động

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.