Kiểm toán hoạt động trong các NHTM ở VN – Những mặt tồn tại

Kiểm Toán Nội Bộ
Facebook0
LinkedIn

Kiểm toán hoạt động trong các NHTM ở VN - Những mặt tồn tại - ảnh 1

Thời gian qua, những biến động của thị trường tài chính đã làm gia tăng những rủi ro tài chính trong các ngân hàng thương mại (NHTM). Xuất phát từ thực tế đó, các ngân hàng thương mại cần có một công cụ hữu hiệu để có thể đánh giá được tính hiệu quả, hiệu năng của các nguồn lực cũng như các dự án trong nội bộ tổ chức. Thực hiện công tác kiểm toán hoạt động nội bộ hiệu quả là giải pháp tối ưu mang tính chiến lược và cấp thiết trong điều kiện hiện nay đối với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kiểm toán hoạt động của kiểm toán nội bộ tại ngân hàng mới được đề cập & áp dụng trong vài năm gần đây, và quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm về cả lý luận lẫn thực tiễn.

Việc tập hợp thông tin của kiểm toán hoạt động tại một số ngân hàng được khảo sát thường không trọng tâm, không tập trung vào các hoạt động có rủi ro cao. Điều này do đặc điểm khối lượng tài liệu kiểm toán nhiều, địa điểm phát sinh trải khắp các chi nhánh ngân hàng.

Khi thực hiện kiểm toán hoạt động, kiểm toán viên nội bộ chưa có sự hợp tác nhiệt tình từ phía các chi nhánh ngân hàng trong việc cung cấp số liệu thông tin. Vấn đề này do hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa được độc lập. Vai trò người người kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức, dẫn đến có hiện tượng xem nhẹ vai trò công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhất là đối với việc kiểm toán hoạt động của kiểm toán nội bộ.

Chương trình kiểm toán nội bộ chưa ghi rõ ràng phần việc cũng như chương trình của kiểm toán hoạt động, dẫn đến việc kiểm toán hoạt động trên thực tế không đạt hiệu quả như mong muốn, mất nhiều thời gian khi thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán.

Kiểm toán hoạt động tại một số ngân hàng thương mại như Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình – ABBANK, Ngân hàng cổ phần hàng hải – SEABANK, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam – TECHCOMBANK chưa có các thủ tục kiểm toán hợp lý để đảm bảo an toàn tài sản và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Những qui trình về cấp tín dụng, về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, về theo dõi, quản lý nhóm khách hàng, về quy trình phát hành thẻ tại đơn vị, về kiểm soát sau chứng từ, về quản lý cấp phát quyền truy cập hệ thống mạng hệ thống Globus ….đều chưa có thủ tục kiểm toán hữu hiệu.

Do đặc điểm về nhân sự, phòng Kiểm toán nội bộ của các ngân hàng chủ yếu là các nhân viên kế toán và kiểm soát viên. Tuy nhiên, kiểm toán hoạt động đòi hỏi sự hiểu biết của kiểm toán viên nội bộ phải rộng và nắm chắc các khâu công việc trong ngân hàng. Vì vậy, kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng được khảo sát còn hạn chế do trình độ của kiểm toán viên nội bộ còn thiếu các kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ ngân hàng.

Xem thêm: Lành Mạnh Hóa Nền Tài Chính Quốc Gia: Vai Trò Của Kế Toán, Kiểm Toán

Hình thức và phương thức kiểm toán hoạt động còn đơn điệu, đơn thuần sử dụng phương pháp định tính để thực hiện kiểm toán hoạt động trong ngân hàng. Phương pháp định lượng bằng cách tính toán các chỉ số hầu hết còn chưa được áp dụng trong các ngân hàng thương mại hiện nay. Các ngân hàng chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng của kiểm toán hoạt động.

Quy trình và phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại được khảo sát còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, một số khâu trong qui trình bị bỏ sót. Kiểm toán viên nội bộ chưa tách báo cáo kiểm toán hoạt động thành báo cáo riêng mà vẫn để trên cùng một báo cáo kiểm toán nội bộ.

Một số ngân hàng thương mại được khảo sát, trong phần báo cáo kiểm toán hoạt động không nêu rõ rủi ro của những phát hiện kiểm toán đối với từng phần hành được kiểm toán. Cũng như vậy, sau khi kiểm toán hoạt động, nhóm kiểm toán không ghi đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra sau phần “Phát hiện” nên đối tượng kiểm toán không rút kinh nghiệm sửa chữa, không thấy hết ảnh hưởng của sai sót, vi phạm. Do vậy, vẫn còn nhiều hiện tượng các hồ sơ được kiểm toán đều có dấu hiệu tẩy xoá các nội dung quan trọng như: số tiền, ngày tháng, tên khách hàng…Điều này làm yếu tính hiệu lực pháp lý, thậm chí dẫn đến vô hiệu nếu có tranh chấp. Điều này chưa thể hiện được vai trò thực sự của kiểm toán hoạt động là tư vấn, cảnh báo cho đối tượng kiểm toán thấy được các nguy cơ xuất hiện các rủi ro, nhận diện rủi ro cho hoạt động của ngân hàng thương mại.

Phương pháp tiếp cận kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại được khảo sát đều thực hiện theo chức năng của kiểm toán nội bộ, theo từng loại hoạt động của ngân hàng như hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn… mà chưa tiếp cận theo 3E (tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hữu hiệu).
Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều thực hiện giao dịch một cửa. Tuy nhiên, phương thức này cho phép khách hàng chỉ giao dịch với một giao dịch viên duy nhất, người này vừa đảm nhiệm chức năng kế toán và thủ quỹ. Do đó, giao dịch một cửa dễ gây biển thủ, lạm dụng quĩ tiền mặt làm giảm hiệu quả hoạt động của hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, kiểm toán hoạt động đối với giao dịch một cửa là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn tại các ngân hàng thương mại được khảo sát, vấn đề này vẫn chưa đưa vào chương trình trọng tâm và thường xuyên của kiểm toán hoạt động.

Vì giới hạn về trình độ tin học nên việc kiểm toán hoạt động đối với User hệ thống còn chưa được thực hiện nên còn nhiều ngân hàng còn có sự kiêm nhiệm, có tình trạng một nhân viên sử dụng đồng thời hai USER ID. Điều này dẫn đến không đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc, tiềm ẩn rủi ro hoạt động khi một nhân viên vừa thực hiện chức năng Inputer, vừa thực hiện chức năng Authorize, nguyên tắc kiểm soát kép bị vi phạm. Hiện tượng các nhân viên nghỉ chế độ, nghỉ không lương trong thời gian dài mà ID không được tạm khoá, nhân viên thôi việc nhưng không cắt ID kịp thời… vẫn còn tồn tại.

Bên cạnh đó, tại một số ngân hàng, kiểm toán hoạt động chưa giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lãi suất dẫn đến thiệt hại lớn về thu nhập tiền lãi trong xu hướng tăng không ngừng của lãi suất thị trường kể từ đầu năm 2008 đến nay.

Theo sav.gov.vn

 

 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.