c. Mô hình kiểm toán nội bộ của Anh
Anh áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ phi tập trung. Kiểm toán viên kiểm toán nội bộ do các Bộ, ngành tuyển dụng và quản lý. Kiểm toán viên nội bộ chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình lên cán bộ tài chính cấp cao nhất của Bộ, “kế toán trưởng”. Tại Anh, kiểm toán nội bộ của các Bộ, ngành phát triển rất mạnh và tập trung vào các vấn đề mang tính hiệu quả. Bộ Tài chính biên soạn và phát hành các chuẩn mực và hướng dẫn hoạt động kiểm toán nội bộ. Hoạt động ngoại kiểm do Văn phòng Kiểm soát viên và Tổng kiểm toán (C&AG) thuộc Cơ quan Kiểm toán quốc gia Vương Quốc Anh (NAO) thực hiện. Ở Anh, Ủy ban Kiểm toán được thiết lập cùng thời gian với NAO và chịu trách nhiệm kiểm toán tại địa phương, các dịch vụ an ninh và y tế quốc gia. Ủy ban này cử các kiểm toán viên tới chính quyền các địa phương và các cơ quan y tế quốc gia để thực hiện hoạt động kiểm toán của mình.
Hệ thống KTNB của Anh hiện nay vẫn chủ yếu tuân theo mô hình phi tập trung và kế thừa mô hình chính quyền Westminster (một địa danh của Anh) – mô hình cho phép có sự linh hoạt trong hoạt động của kiểm toán nội bộ. Theo mô hình này, Bộ Tài chính không phải là cơ quan quản lý mà đóng vai trò cơ quan giám sát. Bộ Tài chính ban hành các thủ tục KTNB, tư vấn và hỗ trợ “các kế toán viên” trong việc quản lý, hạch toán tài chính công; đồng thời không phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự vi phạm quản lý tài chính ngoại trừ những gì liên quan đến các quỹ do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. “Các kế toán viên” thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giải trình về tiền và tài sản công. Thông thường Thư ký Thường trực phụ trách việc chi tiêu của các Bộ, ngành sẽ kiểm soát các khoản kinh phí được Quốc hội phê chuẩn đồng thời giải trình về việc chi tiêu của mình trước C&AG, sau đó kiểm toán viên bên ngoài sẽ chịu trách nhiệm giải trình kết quả kiểm toán trước Quốc hội.
Như đã nói ở trên, mô hình Westminster cho phép có sự linh hoạt trong việc giải trình về quyền hạn của những người có liên quan đến quy trình ngân sách nhà nước. Trong hệ thống này, chức năng kiểm toán nội bộ được thiết lập phù hợp với quyền hạn và chức năng của Bộ Tài chính liên quan đến trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm soát và hướng dẫn các vấn đề về hoạt động tài chính của chính phủ. KTNB được coi như một bộ phận hỗ trợ cho Bộ Tài chính trong việc giám sát việc tuân thủ các quy định tài chính, hướng dẫn và thủ tục kế toán của các Bộ, ngành. Kiểm toán nội bộ cũng có vai trò trợ giúp các cấp quản lý trong việc thực hiện trách nhiệm của mình thông qua việc gửi báo cáo kiểm toán với những kiến nghị & biện pháp thực hiện.
Xem thêm: Quy Định Mới Về Kiểm Toán Nội Bộ Tại Các Doanh Nghiệp Hiện Nay
d. Mô hình kiểm toán nội bộ của Hoa Kỳ
Nhìn chung, Hoa Kỳ áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ phi tập trung. Văn phòng Kiểm toán Hoa Kỳ (GAO) chịu trách nhiệm ngoại kiểm, đánh giá hoạt động các Bộ, ngành theo sự phân công của Quốc hội. Trong khi đó, kiểm toán viên nội bộ của Hoa Kỳ lại chịu trách nhiệm quản lý của các tổ chức. Mô hình KTNB đầu tiên của Hòa Kỳ được áp dụng bắt nguồn từ khu vực tư nhân: các tổ chức kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận sản xuất và tài chính của công ty, lập báo cáo và gửi lên ban điều hành cấp cao của công ty, bao quát toàn bộ các hoạt động kiểm soát quản lý của đơn vị. Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình này đã được điều chỉnh. Từ năm 1978, khi Luật Tổng Thanh tra được ban hành, mỗi Bộ, ngành được bố trí một Tổng Thanh tra, với tư cách là người đứng đầu bộ phận kiểm toán nội bộ của Bộ, ngành đó. Tổng Thanh tra độc lập với các bộ phận khác của Bộ, ngành và báo cáo kết quả hoạt động của mình trực tiếp lên người đứng đầu của Bộ, ngành và Quốc hội. Tổng Thanh tra phải nộp báo cáo thường niên về hoạt động kiểm toán cho người đứng đầu của Bộ, ngành. Sau khi nhận được báo cáo thường niên này, người đứng đầu Bộ, ngành sẽ bổ sung ý kiến của mình vào bản báo cáo rồi gửi bản báo cáo này lên Quốc hội trong vòng 30 ngày. Bản báo cáo này bao gồm cả quan điểm của bộ phận kiểm toán nội bộ với tư cách là một dịch vụ phục vụ quản lý và báo cáo lên Quốc hội, mặc dù gián tiếp nhưng nó cũng chịu trách nhiệm ngoại kiểm.
Ngoài hai mô hình trên, thực tế cho thấy ở các nước thuộc OECD còn có những mô hình kiểm toán nội bộ khác, thể hiện sự kết hợp giữa chức năng ngoại kiểm và nội kiểm. Ví dụ, ở Đức, KTNB không thuộc hệ thống kiểm soát của cơ quan nhà nước, mà là một bộ phận cấu thành của kiểm toán bên ngoài (ngoại kiểm). Trong khi đó, kiểm toán viên nội bộ lại làm việc trong các cơ quan nhà nước, họ tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật và nghề nghiệp cũng như chịu sự giám sát của Cơ quan kiểm toán Tối cao Đức, cơ quan Kiểm toán Liên bang. Họ chỉ báo cáo hoạt động của mình lên Cơ quan Kiểm toán Tối cao và thực hiện vai trò tiền kiểm thay vì vai trò KTNB truyền thống.
Tương tự như vậy, Văn phòng Kiểm toán Thụy Điển có vị trí cũng không rõ ràng. Cơ quan này vừa thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính, vừa hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp và hoàn toàn độc lập trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán cũng như lập báo cáo kiểm toán. Tổng Kiểm toán do Nội các bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm.
Ths. Đặng Thị Hoàng Liên
Nguồn:khoahockiemtoan
Xem phần tiếp theo:
Phần 3: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.3)
Phần trước:
Phần 1: Kiểm toán nội bộ tại một số nước OECD (P.1)