Thứ năm, phân tích số liệu (data analytics).
Theo PWC, kiểm toán nội bộ tiếp tục tìm kiếm cơ hội cung cấp các sáng kiến sâu hơn và đóng góp giá trị cho tổ chức trong bối cảnh sức ép ngày càng gia tăng từ các nhóm đối tượng liên quan, gia tăng các quy định giám sát, một môi trường kinh doanh đầy năng động. Với mục tiêu như vậy, 82% đơn vị kiểm toán nội bộ được khảo sát trong nghiên cứu về nghề nghiệp kiểm toán nội bộ của PwC’s 2017 đã gia tăng đầu tư và công tác khai thác và phân tích số liệu để hỗ trợ cho việc giám sát, nắm bắt các khuynh hướng chủ đạo và triển khai công tác kiểm toán liên tục. Tuy nhiên, nhiều đơn vị KTNB cho biết bộ phận phân tích số liệu của họ chưa đáp ứng yêu cầu và cần có bước tiến mạnh mẽ hơn.
Phân tích số liệu trở nên ngày càng quan trọng trong môi trường kinh doanh ngày nay. Phân tích số liệu có thể dựa trên rủi ro hoặc trên cơ sở kết quả và kỳ vọng đem đến: (i) nhận diện các rủi ro phát sinh; (ii) hiểu biết hơn về các rủi ro hiện hữu; (iii) cung cấp phạm vi đảm bảo rộng hơn; (iv) phát hiện và đưa ra nhiều gợi ý, sáng kiến hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc ra quyết định. Cấp độ trong phân tích số liệu áp dụng cho các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của nhân viên và độ chín của kiểm toán nội bộ. Trong bối cảnh các chức năng kiểm toán nội bộ của ngân hàng Việt Nam còn đang trong giai đoạn đầu phát triển, kỹ năng và phương pháp phân tích số liệu còn chưa hiện hữu ở quy mô lớn. Do vậy, đang là một thách thức lớn cho KTNB phát triển năng lực này trong quá trình chuyển đổi của mình.
Thứ sáu, mức độ tự động hóa quy trình công việc.
Trên thực tế, nguồn lực của kiểm toán nội bộ không bao giờ đủ để đảm bảo đưa ra ý kiến tuyệt đối về tất cả các hoạt động, thậm chí là đưa ra ý kiến đảm bảo hợp lý trong bối cảnh các ngân hàng đang cố gắng kiểm soát ngân sách hoạt động trong các giai đoạn khó khăn và cân nhắc về yếu tố “chi phí – lợi ích” mà kiểm toán nội bộ có thể đem lại. Theo một nghiên cứu của Học viện Kiểm toán nội bộ IIA, tỷ lệ bình quân của số kiểm toán viên nội bộ trên tổng số nhân viên tại 11 tổ chức tài chính lớn là 0.67%, với mức độ từ 0.35% tới 1.32%. Trên thực tế, chức năng kiểm toán nội bộ luôn tồn tại nhưng nó không thể mở rộng quy mô tương ứng với sự tăng trưởng của tổ chức do vấn đề quan ngại về ngân sách hoạt động. Do vậy, giải pháp tốt nhất để đạt được năng suất là gia tăng mức độ tự động hóa các quy trình và báo cáo kiểm toán. Các kiểm soát tự động trong quy trình kiểm toán cũng sẽ làm tăng trách nhiệm và mức độ tương tác giữa kiểm toán viên và các đối tượng liên quan. Ở Việt Nam, mặc dù nhiều ngân hàng trong nước đang tìm kiếm tự động hóa quy trình kiểm toán, hầu hết các công việc kiểm toán vẫn còn làm thủ công. Khi chức năng kiểm toán nội bộ đã trở nên chín muồi hơn cùng với việc áp dụng các thông lệ tốt nhất và các chuẩn mực quốc tế, các phần mềm kiểm toán chuẩn hóa hoặc tự phát triển có thể triển khai được dễ dàng hơn tại các ngân hàng trong nước.
Kiểm toán nội bộ trong quá trình chuyển đổi.
Với việc các yêu cầu pháp lý về hệ thống kiểm soát nội bộ đang gần tới thời điểm hiệu lực và yêu cầu cao hơn về vai trò và sự tham gia của kiểm toán nội bộ trong quản trị rủi ro, các ngân hàng trong nước đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết chuyển đổi hoạt động của kiểm toán nội bộ trở nên tin cậy và đáp ứng hơn theo hướng áp dụng các thông lệ tốt nhất và các chuẩn mực quốc tế. Theo báo cáo của MetricStream về thông lệ kiểm toán nội bộ tốt nhất đã nêu ra, “Trước đây, kiểm toán nội bộ bị giới hạn trong việc đánh giá các kiểm soát hoạt động và tài chính, thì ngày nay, kiểm toán viên nội bộ được kỳ vọng nhiều hơn thế – bước ra khỏi khu vực an toàn và cung cấp sự đảm bảo về các rủi ro mới và phát sinh, trong khi bổ sung các góp ý trong quá trình ra các quyết định chiến lược. Các đối tượng liên quan, ngày càng trông đợi nhiều hơn vào kiểm toán nội bộ giúp họ thoát khỏi sự bấp bênh trong môi trường pháp lý thay đổi, sự vi phạm về công bố thông tin ở quy mô lớn, hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu phức tạp, và sự phức tạp địa chính trị. Cách thức mà kiểm toán nội bộ đáp ứng các kỳ vọng này sẽ xác định sự thành công, sự gắn kết và giá trị của KTNB trong các năm tiếp theo”.
Xem thêm: Chứng chỉ CIA là gì và tại sao bạn nên học chứng chỉ CIA
Kết luận
Đối với các ngân hàng trong nước, chuyển đổi có thể thực hiện theo dạng một dự án hay một sáng kiến. Vấn đề không phải là cách thức thực hiện sự thay đổi như thế nào, mà là việc áp dụng các thông lệ tốt nhất và các chuẩn mực quốc tế về hoạt động, kiểm toán nội bộ mới có thể đảm bảo thành công bền vững, bao gồm, nhưng không hạn chế các nội dung sau: (i) phương pháp tiếp cận kiểm toán trên cơ sở rủi ro là trọng tâm của các kế hoạch kiểm toán; (ii) gia tăng vai trò tư vấn và dự báo, đóng góp giá trị vào quản trị rủi ro và kiểm soát nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của tổ chức; (iii) tăng cường năng lực của kiểm toán viên phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; (iv) quản lý chặt chẽ sự kỳ vọng của các đối tượng có liên quan; và (v) sử dụng phân tích số liệu và tự động hóa ở phạm vi cao nhất có thể.
TS. Trịnh Thanh Bình
Nguồn: TCNH số 24/2018
Xem lại các phần trước:
Phần 1: Chuyển đổi hoạt động KTNB: sự cần thiết & giải pháp định hướng đối với các NHTM VN
Phần 2: Chuyển đổi hoạt động KTNB: sự cần thiết & giải pháp định hướng đối với các NHTM VN