Dù là con trai của nhà lãnh đạo nổi tiếng Phạm Phú Ngọc Trai – Cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương, người Việt đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực của một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, anh Trường vẫn cho rằng, khả năng lãnh đạo phải rèn luyện, không thể bẩm sinh mà có. Hiện anh Trường là CEO Công ty tư vấn Kinh doanh GIBC, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nhân trẻ TPHCM, Đồng Sáng tập Việt Nam CEO Forum
Trong chương trình Cafe Khởi nghiệp, anh Trường đã chia sẻ về con đường từ “con nhà giàu” trở thành doanh nhân giàu kinh nghiệm. Tuy đã gặt hái được thành công nhất định, anh vẫn có nhiều trăn trở và nuối tiếc.
“Con nhà giàu”
Gia đình tôi bản chất là gia đình lao động, nói chính xác hơn là dùng tri thức để lao động. Bố mẹ tôi không tự nhiên trở thành CEO. Khi còn trẻ, bố tôi có lúc đi làm tài xế, mẹ tôi bán bánh mì… Trong quá trình đó mới nghiên cứu ra các công thức nước ngọt rồi mở Công ty Tribeco, sau này liên doanh với Pepsico và bố được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao. Nên tôi biết rất rõ rằng, lãnh đạo không tự nhiên sinh ra. Có nhóm máu A, B, O… nhưng không có nhóm máu lãnh đạo, lãnh đạo là phải rèn luyện mà nên. Tôi may mắn được quan sát quá trình trở thành lãnh đạo trong chính gia đình mình, đặc biệt là từ bố tôi.
Tôi không quan tâm hay thấy áp lực nếu người ta nói tôi là công tử nhà giàu. Vì áp lực tôi tự đặt ra cho mình mỗi ngày còn nhiều hơn thế. Tôi nghĩ F1 của những doanh nhân thành đạt đều có áp lực này, áp lực phải học tập, rèn luyện và làm việc thật tốt để phát huy truyền thống gia đình.
Khi tôi 18 tuổi, một mặt tôi mê âm nhạc, mặt khác lại thích kinh doanh. Lúc đó, tôi đã có những trải nghiệm quý báu thông qua những gì mình thích và những gì mình cần làm. Thời điểm quan trọng nhất, tôi đã nhận ra rằng những gì mình thích không hẳn là những gì mình sẽ làm tốt nhất. Cái mình làm tốt nhất là cái mình có nền tảng, điều kiện sẵn có, có khả năng tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng là những việc buộc phải làm đối với tôi.
Khi còn trẻ, tôi mải mê với những ý định kinh doanh kiếm tiền mà không xem trọng việc học, lại muốn nhìn thấy kết quả ngay. Tôi đã quên mất rằng quá trình học mới là điều quan trọng nhất. Việc đó khiến tôi hối hận mãi đến tận bây giờ, học không bao giờ là đủ. Bên cạnh đó, “gia đình có điều kiện” nên cuộc sống của tôi luôn có nhiều sự lựa chọn, dẫn đến thiếu tập trung trong công việc. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để khắc chế nó.
Bài học khởi nghiệp
Trong những năm học đại học, tôi đã thành lập công ty sản xuất nước rửa tay vì thấy thợ sửa xe tay dính nhiều dầu mỡ, khó chùi rửa. Tôi nhập hoá chất từ nước ngoài về, đóng bao bì đẹp, bán giá phải chăng… Nhưng rồi tôi phát hiện, những người thợ đó có phương pháp rất đơn giản là lấy nước rửa bát để rửa tay. Sản phẩm của tôi trở nên không cần thiết. Tôi rút ra bài học đầu tiên cho mình: Điều quan trọng cần nắm bắt là nhu cầu thực sự của thị trường.
Công ty khởi nghiệp thứ 2 của tôi chuyên về ánh sáng kiến trúc. Khi đó, tôi nhận ra đây là mảng rất cần thiết cho thị trường Việt Nam khi các nhà phát triển bất động sản thường phải thuê kiến trúc sư nước ngoài với chi phí rất cao. Không có kiến thức nhưng có đam mê, tôi xách vali ra nước ngoài học rồi quay về mở công ty. Chúng tôi đã có một số sản phẩm để lại, như toà nhà Đài truyền hình TPHCM, Cầu Rồng Đà Nẵng và nhiều khách sạn 5 sao khác. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tôi chưa muốn dừng lại. Tôi muốn khám phá hết tất cả các khả năng của bản thân nên đã nhượng công ty cho người khác tiếp quản.
Lần thứ 3, tôi phối hợp với các quỹ nổi tiếng ở Việt Nam như VinaCapital, lập ra quỹ hưu trí đầu tiên ở Việt Nam VinaWealth, xây resort… Lần này, bài học tôi rút ra được là tôi có tiền, có tầm nhìn nhưng không có phương pháp để biến tầm nhìn thành hiện thực nên còn gặp nhiều khó khăn. Tôi đã phải trực tiếp tham gia vào việc giám sát công trình, lăn lộn 5 tháng, sáng ăn mì gói, đêm thức khuya, phơi nắng cháy da như bao công nhân khác. Trong lúc thợ ngồi nghỉ, tôi thấy đường còn bẩn nên tự cầm xẻng xúc cát để dọn. Thợ thấy rằng đó không phải việc “giỡn chơi” khi đến nhà đầu tư cũng phải xắn tay vào làm, họ mới đứng dậy và cùng dọn dẹp. Phải như thế tôi mới hiểu được bản chất của sự việc để lãnh đạo công ty cho tốt.
“Tôi đã phải trực tiếp tham gia vào việc giám sát công trình, lăn lộn 5 tháng, sáng ăn mì gói, đêm thức khuya, phơi nắng cháy da như bao công nhân khác.”
Bài học lớn nhất của tôi là phải phát triển bản thân trước tiên và phát triển theo 2 hướng: Trí và Lực. Trí là trí tuệ, đến từ việc học hỏi không ngừng mỗi ngày; Lực là thể lực: bạn cần có sức khoẻ tốt để có thể làm việc và chịu đựng trong môi trường nhiều áp lực. Có như vậy mới có thể thuyết phục được người khác. Bên cạnh đó còn có các giá trị khác như sự thấu hiểu, muốn làm lãnh đạo tốt, bạn phải hiểu được người khác và đồng thời hiểu được bản thân mình.
Ưu và nhược của CEO Việt Nam
Điểm mạnh của lãnh đạo Việt Nam là có đam mê rất mãnh liệt với việc làm giàu và có được doanh nghiệp tốt. Họ chuẩn bị cho tương lai khá chặt chẽ, có tầm nhìn ban đầu về chuỗi giá trị.
Tuy nhiên do tình hình kinh doanh thực tế và suy nghĩ ngắn hạn, một số nhà lãnh đạo đã làm đảo lộn chuỗi giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình, làm cho việc kinh doanh mất đi tính bền vững và vai trò lãnh đạo của họ nhạt dần. Họ chủ yếu là quản lý kinh doanh, chứ không phải lãnh đạo kinh doanh. Tức chỉ quản lý sao cho đạt được mục tiêu về kinh tế chứ không duy trì được chuỗi giá trị. Điều đáng suy nghĩ là các công ty đó hầu như đều có chiến lược 5, 10 năm rất tốt, tầm nhìn tốt nhưng khi thực thi thì lại rời rạc.
Tôi hiểu rằng, các công ty lớn thì có áp lực về cổ đông, công ty nhỏ thì áp lực về cơm áo gạo tiền… Nhưng người lãnh đạo giỏi là phải có tầm nhìn dài hạn, mục tiêu dài hạn, đặt ra chuỗi giá trị và thuyết phục mọi người đi theo mình, cùng nhau teamwork để đạt kết quả tốt nhất. Không thể vì một mục tiêu ngắn hạn mà hi sinh mục tiêu dài hạn. Người đưa ra quyết định nào như thế là người không có tư duy lãnh đạo.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Việt Nam còn chưa biết sử dụng quyền lực mềm. Kinh tế Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn dựa vào 4 yếu tố: Sức lao động, Tài nguyên, Đầu tư và Tri thức. Trong một nền kinh tế như vậy, doanh chủ cần sử dụng quyền lực mềm, khuyến khích trí tuệ được phát triển tối đa trong môi trường làm việc chứ không phải áp dụng “thưởng – phạt”, ép buộc…. Cái cần hướng đến là sử dụng tri thức để lãnh đạo, không phải sử dụng quyền lực cứng.
Lời khuyên cho các CEO
Muốn doanh nghiệp của mình thành công, bạn phải có sự sáng tạo và chất xám. Muốn lãnh đạo những người sở hữu hai yếu tố này, bạn cần tạo ra ý nghĩa cho công việc của mình, đặt cho tổ chức một tầm nhìn. Sau đó kéo mọi người lại với nhau, cùng đưa ra giải pháp mới để giải quyết vấn đề, tối ưu mục tiêu chung nhất.
Ví dụ như Elon Musk, một mình ông không thể chế tạo được tên lửa hay làm pin. Nhưng ông đã kết nối các nhà khoa học lại với nhau, tạo ra các sản phẩm sử dụng năng lượng sạch mà thế giới đang cần rồi tạo ra những thành công vang dội.
Tôi đến giờ vẫn hối tiếc vì đã lãng phí thời gian để chạy theo những đam mê mà mình từng cho là tất cả. Trong khi những cái đó chỉ là để thoả mãn cảm giác của riêng tôi. Bạn hãy kiên định, nhất quán với tầm nhìn của mình, chiến thắng chính mình thì mới mong đạt được thành công.
Bên cạnh đó, trong thời đại mới, tình hình thay đổi từng ngày từng giờ. Bạn phải liên tục học tập, cập nhật để đưa doanh nghiệp đi đúng đường. Như trước đây, xuất nhập khẩu là một ngành khá hấp dẫn. Nhưng hiện tại, hàng rào thuế quan xuất hiện ở khắp nơi. Không kịp thời tìm hiểu là rất dễ “chết”.
Cái khó của các lãnh đạo trẻ là nói mà không ai nghe, không ai tin vì họ chưa tin tưởng vào những gì mà bạn có thể làm. Giờ đây điều kiện của các bạn trẻ đã rất thuận lợi với Internet kết nối toàn cầu nhanh chóng, các kênh truyền thông chất lượng…. Nên dù ở bất cứ vị trí nào, hoàn cảnh nào, bạn cũng đừng uổng phí nó, hãy phát triển bản thân liên tục. Trước khi muốn lãnh đạo được người khác, bạn phải lãnh đạo được chính mình, tạo ra tầm nhìn và dần dần tạo ra những kết quả nhất định. Khi đó sức ảnh hưởng sẽ dần xuất hiện.
Nguồn: Cafebiz.vn