Từ những phát hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình đối với các nhà đầu tư dự án PPP (dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư) trong lĩnh vực y tế.
Kiểm toán để bịt “lỗ hổng” chính sách
Quy định của Hiến pháp và Luật KTNN đã chỉ rõ, KTNN không chỉ kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công mà còn giám sát và đánh giá tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, cho dù được đầu tư bởi khu vực tư nhân hoặc nhà nước. Toàn bộ quá trình từ khâu lập dự án, triển khai và vận hành dự án PPP có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, UBND và là đối tượng điều tiết bởi nhiều quy định liên quan, vai trò của KTNN được khẳng định ở tất cả các khâu của dự án nhằm nâng cao tính minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình.
“Kết quả kiểm toán của KTNN không chỉ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho NSNN mà còn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, trong đó chỉ ra các thiếu sót, chưa đồng bộ về chính sách PPP đối với lĩnh vực y tế” – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Đề cập cụ thể hơn về công tác quản lý đối với các dự án PPP nói chung và các dự án PPP trong lĩnh vực y tế nói riêng, bà Lê Thị Hồng Hạnh chỉ rõ, trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng dự án cần làm rõ hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính và tính cấp thiết, phù hợp, khả thi của dự án. Làm sao để đảm bảo phương án tối ưu nhất được lựa chọn, giải quyết các vấn đề y tế nổi cộm, cấp bách mà sự tham gia của khu vực tư với mô hình quản lý chặt chẽ, cập nhật các công nghệ tiên tiến của thế giới sẽ giải quyết được bài toán khó của ngành y.
Thực tế kết quả kiểm toán của KTNN trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã phát hiện nhiều bất cập trong khâu quản lý, vận hành tại các bệnh viện, như: tình trạng giá dịch vụ y tế chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, tình trạng bệnh nhân phải chi trả thêm nhiều chi phí ngoài viện phí trong quá trình khám chữa bệnh, hay loại hình y tế dự phòng chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức…
Đối với khâu ký hợp đồng PPP, lập dự toán thì thiết kế dự toán là cơ sở để quản lý chi phí đầu tư. Đây chính là vấn đề cốt lõi để quản lý một dự án tiết kiệm, phù hợp, đảm bảo tính bền vững và chất lượng hay không. Phó Kiểm toán trưởng Lê Thị Hồng Hạnh phân tích, y tế là một lĩnh vực rất đặc thù, đặc biệt đối với các hợp đồng PPP cung cấp thiết bị, dịch vụ chuẩn đoán lâm sàng, dịch vụ chuyên khoa. Do đó, nếu không có cơ quan chuyên môn có sự theo dõi chuyên sâu nhằm kiểm tra, đánh giá tính phù hợp của dự toán sẽ dễ dẫn tới thất thoát nguồn lực nhà nước. Vai trò của KTNN giai đoạn này là đảm bảo hợp đồng được ký kết với những điều khoản tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và/hoặc phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh tình trạng chi phí dự án bị đội lên quá cao so với thực tế, gây thất thoát, lãng phí cho NSNN.
Với khâu triển khai và quyết toán dự án, đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong chu trình thực hiện dự án. Cũng như tại các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư 100%, đối với dự án PPP, KTNN cần phát huy vai trò cũng như khả năng để đưa ra những nhận định về tính tuân thủ của các bên liên quan đối với hợp đồng, thiết kế và dự toán chi tiết của dự án được ký kết giữa đôi bên. Kịp thời phát hiện trường hợp cố tình vi phạm điều khoản hợp đồng, thiết kế dự án nhằm thu lợi trái pháp luật.
Y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đời sống hằng ngày của người dân, do đó, các vấn đề liên quan đến y tế luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của truyền thông và quần chúng nhân dân. Để người dân có thể thực hiện chức năng giám sát của mình, ngoài kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN còn đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án so với mục tiêu ban đầu mà dự án hướng tới.
Một số khuyến nghị sau kiểm toán
Theo tiến trình phát triển của thị trường, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế của nước ta đang có những bước đi mang tính hội nhập và PPP là một trong những xu thế tiềm năng. Song loại hình hợp tác theo phương thức đối tác công tư vốn rất đa dạng về hình thức và phức tạp về cách thức triển khai đòi hỏi Nhà nước và tư nhân cần nghiên cứu, xác định kỹ loại hình hợp tác phù hợp với từng dự án với những mục tiêu cụ thể.
Thực tế, từ khi PPP trong lĩnh vực y tế được Nhà nước chủ trương thực hiện hơn 10 năm qua đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách và phương thức thực hiện. Để PPP thực sự đi vào đời sống, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, thực thi các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện được mục tiêu tối ưu hoá nguồn lực công, đồng thời phát triển nền kinh tế thị trường có sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân. Đúc rút từ thực tiễn kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng Lê Thị Hồng Hạnh đề xuất:
Một là, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về PPP. Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về xác định phần vốn của Nhà nước trong các dự án PPP đối với đất đai, giá trị thương hiệu và đội ngũ nhân lực, đảm bảo xác định đúng, bảo toàn giá trị tiền, tài sản và NSNN trong các dự án PPP, tránh để xảy ra tình trạng định giá thấp hơn thực tế, gây thất thoát, lãng phí nguồn tài chính công, tài sản công.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn thực hiện PPP trong lĩnh vực y tế. Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính tại các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hướng dẫn về xác định giá dịch vụ y tế, hình thức đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị, vật tư và thuốc tại các dự án hoạt động theo hình thức hợp tác công tư, đảm bảo hài hoà giữa việc thực hiện mục tiêu công và lợi ích của nhà đầu tư. Sớm xây dựng và ban hành các quy định về kiểm định chất lượng dịch vụ độc lập. Có cơ chế khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ đi đôi với quản lý chặt chẽ về chuyên môn.
Ba là, xây dựng và ban hành chiến lược phát triển hạ tầng y tế và dịch vụ thông qua hợp đồng PPP. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế phù hợp với tình hình thực tế và tiến trình phát triển kinh tế – xã hội trung hạn, dài hạn, Bộ Y tế cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ mục tiêu và chiến lược rõ ràng cho phát triển hạ tầng và dịch vụ y tế thông qua PPP, từ đó xây dựng phương hướng thực hiện chi tiết đối với từng mục tiêu gắn với kết quả đầu ra cụ thể.
Bốn là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hoá lĩnh vực y tế chú trọng đến loại hình PPP. Về bản chất, việc huy động nguồn lực tư nhân tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt với chi phí cạnh tranh, giảm áp lực cho NSNN vốn đã hạn hẹp, đồng thời phải chi dùng cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Năm là, tăng cường công tác kiểm toán của KTNN đối với các dự án PPP. KTNN cần thực hiện kiểm toán từ khâu xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt, ký hợp đồng, triển khai và vận hành dự án, đảm bảo nguồn tài chính công, tài sản công của Nhà nước được sử dụng minh bạch, hiệu quả, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên liên quan, hạn chế các bất cập trong quá trình thực hiện dự án.