Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến đầu năm 2020, Việt Nam có đến 193 công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Trong số này, có 37 công ty được chấp nhận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng năm 2020. Nhiều công ty kiểm toán cùng cung cấp dịch vụ tạo nên áp lực cạnh tranh không nhỏ và đây có thể là khoảng hở cho các sai sót, thương lượng diễn ra.
Trong mối quan hệ lợi ích 3 bên giữa công ty kiểm toán – doanh nghiệp – người sử dụng báo cáo, doanh nghiệp đóng vai trò là khách hàng, người trả tiền thuê cho công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Mối quan hệ này tất yếu đặt cho công ty kiểm toán vấn đề phải hài hòa giữa lợi ích của khách hàng với yêu cầu, đạo đức hành nghề của kiểm toán, khi mà việc cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ kiểm toán ngày càng gay gắt.
Nếu những tên tuổi lớn như KPMG, E&Y, PwC, Deloitte, AASC… có nhiều khách hàng, có sức mạnh trong lựa chọn khách hàng và nêu quan điểm chính trực, thì các công ty kiểm toán nhỏ hơn, việc thu hút khách hàng đã khó, giữ khách hàng còn khó khăn hơn.
Nếu không có sự dung hòa sẽ dễ mất khách, đồng nghĩa với mất doanh thu, giảm chất lượng hồ sơ năng lực.
Hệ quả tất yếu là không phải lúc nào, tính minh bạch, chính xác và độ tin cậy trong báo cáo tài chính cũng là ưu tiên duy nhất trong đánh giá của các công ty kiểm toán.
Thực tế, trên các báo cáo kiểm toán hiện nay đều ghi rõ ban điều hành doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập và trình bày trung thực, hợp lý báo cáo tài chính (BCTC) theo các chuẩn mực, chế độ kế toán và quy định pháp lý liên quan và chịu trách nhiệm đảm bảo việc lập BCTC không có sai sót trọng yếu do gian lận hay nhầm lẫn.
Trong khi đó, công việc của kiểm toán viên là thực hiện các thủ tục nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán về các số liệu và thuyết minh trong BCTC dựa trên xét đoán của kiểm toán viên và đưa ý kiến dựa trên các bằng chứng mà họ tin rằng đầy đủ, thích hợp.
Theo tính chất công việc, kiểm toán không thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, mà chủ yếu dựa trên việc kiểm mẫu, đối chiếu sổ sách… Vì thế, nếu doanh nghiệp chủ động gian lận, việc kiểm toán bị qua mặt là có thể xảy ra.
Để TTCK minh bạch và cải thiện niềm tin với nhà đầu tư, việc giám sát tính trung thực và liêm chính của các số liệu tài chính tại doanh nghiệp cần được thực hiện ở 2 cấp độ: Cấp độ doanh nghiệp với báo cáo tự lập và cấp độ kiểm toán với vai trò giám sát và đánh giá có làm hết trách nhiệm, trung thực và chuẩn mực để ra được các đánh giá minh bạch và cụ thể cho thị trường hay không.
Hiện tại, quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng về trách nhiệm của kiểm toán viên khi để lọt các sai sót lớn trong kiểm toán BCTC của doanh nghiệp.
Sự giám sát trực diện nhất với khối công ty kiểm toán là việc từ năm 2016 đến nay, hàng năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lập đoàn kiểm tra, đánh giá và công bố chất lượng các công ty kiểm toán được kiểm toán doanh nghiệp có lợi ích công chúng.
Mỗi đợt kiểm tra, thường có 6-10 công ty được đánh giá chất lượng kiểm toán cho thấy, công việc này mới bao quát được một phần thị trường dịch vụ kiểm toán.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, để giảm tình trạng sai lệch tài chính tại doanh nghiệp và tình trạng thông đồng, che dấu hoặc giám sát thiếu trách nhiệm của các công ty kiểm toán, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần giám sát cả 2 chủ thể này.
Cụ thể, nhà quản lý cần mở rộng giám sát, đánh giá các công ty kiểm toán hàng năm và có những đánh giá sâu sát hơn về chất lượng kiểm toán.
Đồng thời, cần có giải pháp mạnh với chính các doanh nghiệp có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính tự lập để doanh nghiệp cần ý thức và làm chuẩn mực ngay từ chính mình.
Trên TTCK hiện nay, việc giám sát, thanh tra các doanh nghiệp có sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính đang là câu chuyện bỏ ngỏ, cần sớm được lấp đầy bằng giải pháp của nhà quản lý cũng như việc nhà đầu tư phải tự nâng cao khả năng đánh giá doanh nghiệp để có thể ra một quyết định đúng.