Nguồn lực nhân sự trong Covid-19 cần sự linh hoạt

Tin tức chung
Facebook0
LinkedIn

Bên cạnh các vấn đề cân đối tiền lương, giờ làm, doanh nghiệp cũng nên tính đến phương án thuê nhân sự ngoài, đa dạng hóa nguồn lực.

Con người được xem như tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng do Covid-19, hàng loạt công ty xem xét cắt giảm nhân sự nhằm vượt qua khó khăn. Để có được bức tranh khái quát tình hình nhân sự trong Covid-19, Talentnet đã thực hiện khảo sát nhanh từ ngày 30/3 đến 10/4, thu hút sự tham gia của 172 doanh nghiệp từ các ngành sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, công nghệ cao và nhiều lĩnh vực khác.

Quản trị nguồn lực nhân sự là một trong những bài toán khó của các nhà lãnh đạo.

Kết quả cho thấy, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự báo doanh thu giảm, 75% lên kế hoạch cắt giảm chi phí nhân sự, 51% có nhu cầu tối ưu hóa nguồn nhân lực. Mối quan tâm chính của các giám đốc điều hành, giám đốc nhân sự trong giai đoạn này là tối ưu hóa nguồn nhân lực, tư vấn tuân thủ Luật lao động và tối ưu hoá ngân sách nhân sự.

Trong dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp như cắt giảm giờ làm, làm việc bán thời gian, chi phí lao động là khoản chi phí lớn mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó tổng giám đốc Talentnet nhìn nhận giữa khó khăn các nhà quản lý “thắt chặt hầu bao” ngân sách nhân sự là điều dễ hiểu. Sau khủng hoảng, thị trường tuyển dụng sẽ đón nguồn cung dồi dào, cầu thị. Bên cạnh đó, xu hướng các tập đoàn quốc tế dịch chuyển nhà máy sản xuất và đầu tư sang Việt Nam có thể kéo theo nhu cầu tuyển dụng cao ở một số ngành nghề.

“Cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ tăng. Chiến lược nhân sự vừa cấp thiết lại đòi hỏi tính ứng biến cao, vì thế đây là bài toán khó cho nhà quản lý”, bà Thanh Hương nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần kế hoạch hành động rõ ràng và cân đối nhu cầu ngắn hạn lẫn dài hạn. Sau khủng hoảng là cơ hội, một mũi tên kéo ngược ra sau sẽ có đà lao về phía trước. Tuy nhiên, làm sao để công ty bảo toàn tốt nhất nguồn lực nội tại, sẵn sàng quay lại cuộc đua sau thời gian ngưng trệ cần có đầu tư nhân lực toàn diện.

Trong Covid-19, bên cạnh các biện pháp như giảm giờ làm, làm việc bán thời gian, tiền lương là khoản chi phí lớn mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm. Tuy nhiên bị giảm lương, nhân viên vẫn có thể trụ lại công ty nếu các quyền lợi cơ bản khác vẫn bảo đảm như bảo hiểm, có việc làm…

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng các chính sách về lao động việc làm hay gói hỗ trợ từ Chính phủ trợ cấp thất nghiệp, giảm và giãn thuế để duy trì hoạt động kinh doanh, lực lượng nhân viên nòng cốt trước khi hồi phục hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó tổng giám đốc Talentnet.

Đại diện Talentnet đánh giá Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để làm việc linh hoạt hơn. Từ đó, đẩy mạnh truyền thông nội bộ gắn kết đội ngũ nhân viên, đảm bảo hiệu quả và nhiệt huyết làm việc chung của tổ chức. Một phương án khác mà các nhà lãnh đạo cần xem xét là sử dụng các dịch vụ nhân sự thuê ngoài, giúp các công ty lội ngược dòng giữa khó khăn.

“Sở hữu đội ngũ chuyên gia tư vấn, kỹ thuật có kiến thức tốt cùng hệ thống sẵn có linh hoạt, tính kết nối cao, chúng tôi sẽ giúp các công ty tận dụng quỹ thời gian cho các hoạt động mang lại giá trị cao hơn, giảm thiểu sai sót không đáng có”, bà Thanh Hương nhấn mạnh.

Với 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược nguồn nhân lực, Talentnet đang phục vụ cho hàng trăm đối tác trong và ngoài nước.

Kim Anh

Theo vnexpress.vn

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.