[Cập nhật] Các điểm mới trong kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp

Kiểm Toán Nội Bộ
Facebook0
LinkedIn

Ra đời cách đây hơn 60 năm nhưng kiểm toán nội bộ (KTNB) chỉ thực sự phát triển từ sau các vụ gian lận tài chính những năm 2000-2001. Tính đến nay, KTNB đã được thừa nhận trên 165 quốc gia như một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Chức năng kiểm toán nội bộ đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều yếu tố khiến cho kiểm toán nội bộ chưa được nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức. Vì vậy, xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế là xu hướng tất yếu ở Việt Nam.

[Cập nhật] Các điểm mới trong kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp - ảnh 1

1. Vai trò quan trọng của Kiểm toán nội bộ

Trong quá trình hoạt động, KTNB cho thấy 2 chức năng cơ bản: chức năng đảm bảo & chức năng tư vấn. Đối với KTNB, chức năng đầu tiên không phải là kiểm tra, xác nhận, đảm bảo báo cáo tài chính mà là sự đảm bảo tính thích hợp và tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) trong đơn vị. Chức năng tư vấn của KTNB bao gồm việc đánh giá và khuyến nghị cho ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức về quan điểm, nhận thức cũng như văn hóa quản lý rủi ro trong tổ chức để nâng cao tính hiệu quả của các chính sách quản lý rủi ro. Qua quá trình tư vấn, KTNB sẽ trợ giúp một cách riêng biệt cho tất cả các cấp của đơn vị trong vấn đề giám sát việc thiết kế và vận hành mọi quy trình hoạt động, không chỉ có quy trình và thủ tục kiểm soát tài chính mà cả với các hoạt động khác.

Với vai trò và chức năng kể trên, KTNB sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau trong một tổ chức, doanh nghiệp:

– Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB; kiểm tra, thẩm định tính xác thực, độ tin cậy của các thông tin kinh tế, thông tin tài chính trên báo cáo kế toán và các báo cáo khác;

– Kiểm tra sự tuân thủ của mọi bộ phận và cá nhân trong đơn vị đối với các nguyên tắc hoạt động, quản lý, sự tuân thủ luật pháp, chính sách, chế độ tài chính, kế toán; các chính sách, nghị quyết, quyết định của cơ quan quản lý cấp trên cũng như của ban lãnh đạo;

– Kiểm tra, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý rủi ro, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và sử dụng nguồn lực;

– Phát hiện những sai sót, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của tổ chức, qua đó, kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót, yếu kém; xử lý các sai phạm, đề xuất các biện pháp cải tiến, hoàn thiện hệ thống KSNB, hệ thống quản lý rủi ro cho tổ chức.

2. Một số xu hướng hiện đại về Kiểm toán nội bộ

Bản chất, phạm vi của kiểm toán nội bộ đã có một số thay đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể:

(1) Bản chất của KTNB có sự thay đổi, từ chỗ là một bộ phận thành một chức năng trong tổ chức.

Trước đây, KTNB được hiểu là một bộ phận được thiết lập bên trong một tổ chức. Cách hiểu này tồn tại suốt một khoảng thời gian dài và được tìm thấy trong nhiều phát biểu của giới nghiên cứu cũng như các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây bắt đầu xuất hiện những quan điểm hiện đại về KTNB, trong đó tính “nội bộ” được nhìn nhận mở hơn.

Theo Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (2010), KTNB là một chức năng độc lập trong nội bộ đơn vị: “KTNB là hoạt động xác nhận và tư vấn mang tính độc lập, khách quan được thiết lập nhằm tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả hoạt động của một tổ chức.

KTNB giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc tạo ra một cách tiếp cận có hệ thống, có tính kỷ luật để đánh giá, nâng cao hiệu lực của quy trình quản trị DN, quy trình kiểm soát và việc quản lý rủi ro”.

Như vậy, quan điểm coi KTNB là một bộ phận được thiết lập bên trong một tổ chức không còn phù hợp nữa, đã có sự thay đổi khái niệm KTNB hiện đại theo hướng chuyển từ bộ phận KTNB sang KTNB, các tổ chức có thể hoàn toàn tự vận hành KTNB hoặc thuê ngoài thực hiện chức năng này (Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2013).

(2) Có sự thay đổi trọng tâm và mở rộng phạm vi của KTNB

KTNB không chỉ hướng đến đánh giá thông tin trong quá khứ mà còn phải hướng đến đánh giá thông tin trong tương lai thông qua các dự báo và dự toán, không chỉ tập trung vào thông tin tài chính mà hướng đến các thông tin phi tài chính.

Đóng góp nổi bật của KTNB theo quan điểm mới là tạo ra giá trị gia tăng và cải thiện hoạt động của tổ chức xuất phát từ chức năng đảm bảo. Giá trị gia tăng được tạo ra thông qua việc cải thiện các cơ hội để đạt được mục tiêu của tổ chức, giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn thông qua việc kiểm tra, đánh giá và tư vấn.

Trọng tâm của KTNB chuyển sang tiếp cận rủi ro, KTNB trở thành cơ chế quản trị DN trung tâm. Phạm vi hoạt động của KTNB bao quát hơn liên quan tới kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị DN nhằm giúp nhà quản lý hoàn thành mục tiêu; hướng tới chức năng đảm bảo và tư vấn với tính chủ động và tập trung vào khách hàng.

(3) Vai trò của KTNB ngày càng được quan tâm

Những năm gần đây, sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vụ bê bối liên quan đến sự sụp đổ của các công ty và tập đoàn lớn, vai trò của KTNB được quan tâm ngày càng tăng, KTNB trở thành cơ chế quản trị DN trung tâm, kiểm toán viên nội bộ được coi là những người chủ chốt trong tổ chức.

Về vai trò của KTNB, theo đại diện của Công ty kiểm toán PwC thì “xu hướng mới là DN ngày càng trông đợi KTNB phải trở thành cố vấn tin cậy giúp mang lại nhiều giá trị cho DN trong hoạt động tư vấn, thậm chí đối với những quyết định mang tính chiến lược. Nghĩa là, bộ phận KTNB không còn dừng ở vai trò giám sát tính tuân thủ nữa”.

Thậm chí, tại một số nước có thị trường chứng khoán phát triển như: Hoa Kỳ, Australia, các công ty niêm yết đều được yêu cầu phải có KTNB hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các điều luật quan trọng như Đạo luật Sarbenes – Oxley (2002) của Hoa Kỳ.

(4) Việc lựa chọn nhân sự cho KTNB từ bên ngoài đang trở thành xu hướng

Một xu hướng về nhân sự cho KTNB đã nổi lên và đang ngày càng được các tổ chức cũng như giới nghiên cứu quan tâm đó là “thuê ngoài KTNB”. Điều này được nhận thấy rõ nét qua các nghiên cứu thực nghiệm về KTNB của nhiều tác giả ở thập niên 1980-1990 và cũng được thể hiện qua các báo cáo, quy định của các cơ quan tổ chức như Ủy ban Treadway (1987), Ủy ban COSO (1992) và Đạo luật Sarbanes Oxley (2002).

(5) Xu hướng áp dụng mô hình quản trị hiện đại

Các mô hình tổ chức KTNB phổ biến tại DN là: (i) Hoàn toàn tự lực; (ii) Tự lực một phần với hỗ trợ từ bên ngoài hoặc (iii) Thuê ngoài hoàn toàn.

Các DN, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn có xu hướng thiết lập Ủy ban kiểm toán (UBKT), bên cạnh ủy ban tài chính và ủy ban tổ chức trực thuộc hội đồng quản trị. UBKT do thành viên hội đồng quản trị độc lập trực tiếp phụ trách, quản lý trực tiếp KTNB của DN, thực hiện chức năng giám sát hội đồng quản trị và ban giám đốc.

UBKT và KTNB có đầy đủ quyền lực, có nguồn lực và vị thế độc lập để thực hiện tốt vai trò giám sát của mình. Đây là cách thức quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đi theo mô hình một cấp.

3. Việt Nam bước đầu áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ chuẩn quốc tế

Cho đến thời điểm này, KTNB tại Việt Nam vẫn chưa có các quy định hoặc thông lệ về việc xây dựng và triển khai hoạt động theo đúng bản chất, vai trò, chức năng của nó. Hầu hết các tổ chức, DN vẫn xem KTNB như một hoạt động hỗ trợ cho ban lãnh đạo và người đứng đầu, thực chất là bộ phận kiểm tra, kiểm soát về công tác tài chính kế toán, hoặc chỉ là một bộ phận được mở rộng của phòng/ban tài chính kế toán. Một số ít các tổ chức có sử dụng KTNB trong kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm soát liên quan đến một số hoạt động như: bán hàng, quảng cáo, marketing,… Trong các trường hợp này, KTNB vẫn thường trực thuộc một bộ phận quản lý nhất định, hoạt động không độc lập khách quan và cũng chưa được xem là một mắt xích quản trị của tổ chức, DN.

Hiện nay, Tập đoàn Bảo Việt đang được xem là trường hợp tiên phong trong việc áp dụng thành công mô hình KTNB chuẩn quốc tế. Tại Tập đoàn này, KTNB là bộ phận trực thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) với chức năng cung cấp cho HĐQT và Tổng Giám đốc những đánh giá độc lập, khách quan về KSNB, quản lý rủi ro và quản trị DN trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, trên cơ sở hoạt động đảm bảo và tư vấn.

Cùng với việc thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu tài chính được thực hiện bởi EY theo cả Chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, Bảo Việt còn tiến hành kiểm toán các chỉ tiêu phi tài chính. Đồng thời, đưa ra các ý kiến đánh giá độc lập, khách quan về các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến phạm vi đánh giá, dựa trên các thủ tục đã được quy định tại quy trình KTNB, các Chuẩn mực KTNB quốc tế và các hướng dẫn của Viện KTNB Hoa Kỳ công bố. Quy định này cũng yêu cầu các kiểm toán viên của khối KTNB tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp,…

Ngoài Tập đoàn Bảo Việt, gần đây, một số các DN của Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến tích cực hơn và mang dáng dấp của hoạt động KTNB trong quá trình quản trị DN. Điều này là vô cùng cần thiết khi mà nền kinh tế đã được toàn cầu hóa. Nói đến sự chuyển biến tích cực này phải kể đến Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Với mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tiên tiến hơn, Công ty đã quyết tâm thay đổi khi lập Tiểu ban kiểm toán và xóa bỏ mô hình kiểm soát đã được duy trì khá lâu trước đây. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Vinamilk đã có quyết định chính thức về việc thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT. Trong mô hình mới, thành viên của Tiểu ban Kiểm toán là thành viên độc lập của HĐQT, người có uy tín và chuyên môn, đặc biệt về kiểm soát và kiểm toán.

Có thể kể thêm một vài ví dụ điển hình cho việc thay thế Ban Kiểm soát bằng KTNB như: Công ty Cổ phần Mía đường Thành Công Tây Ninh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa; Công ty Licogi 16…

Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, nhiều vụ việc liên quan đến hành động vụ lợi của ban giám đốc đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông công ty, nhưng không có bất kỳ tiếng nói cảnh báo nào từ ban kiểm soát, cho đến khi vụ việc bị phát giác thì đã quá muộn. Điển hình nhất là vụ việc tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản của một loạt cán bộ cấp cao tại Ocean Bank.

Như vậy, xu hướng hình thành bộ máy và hoạt động KTNB một cách tích cực đang ngày càng góp phần tăng cường tính minh bạch thông tin DN, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh, gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, phát huy hiệu quả thực sự của KTNB trong hoạt động của DN.

 

Nguồn: lamketoan.vn

Xem thêm:

 

 

 

Facebook0
LinkedIn

1 thought on “[Cập nhật] Các điểm mới trong kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp

  1. Wow! Thank you! I permanently wanted to write on my site something like that. Can I take a portion of your post to my blog? Letizia Bill Marylou

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.